Chủ đề Vesak 2025: Hòa bình và bao dung – Cùng hướng về nhân phẩm con người

Chủ đề Vesak 2025 là “Đoàn kết và bao dung vì nhân phẩm con người: Tuệ giác Phật giáo vì Hòa bình thế giới và Phát triển bền vững”. Thông điệp này mang ý nghĩa gì?

Đại lễ Vesak là dịp đặc biệt, thiêng liêng được tổ chức hằng năm, là dịp để tăng ni, phật tử khắp nơi cùng tưởng niệm ba dấu mốc quan trọng trong cuộc đời Đức Phật Thích Ca Mâu Ni: ngày đản sinh, thành đạo và nhập Niết bàn.

Từ năm 1999, đại lễ Vesak đã được Liên Hiệp Quốc chính thức công nhận là lễ hội văn hóa tôn giáo toàn cầu vì hòa bình. Từ đó đến nay, sự kiện này được tổ chức thường niên không chỉ tại trụ sở Liên Hiệp Quốc mà còn ở nhiều quốc gia thành viên.

Năm nay, đại lễ Vesak 2025 sẽ diễn ra từ ngày 6 đến 8.5 tại TP.HCM, mang theo một thông điệp đặc biệt: “Chấp nhận sự khác biệt và hoan hỷ cho nhau”.

Đoàn kết và bao dung – những giá trị làm nên thế giới an lành

Thượng tọa Thích Đức Thiện, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Giáo hội Phật giáo Việt Nam, chia sẻ rằng chủ đề của Vesak 2025 là: “Đoàn kết và bao dung vì nhân phẩm con người: Tuệ giác Phật giáo vì Hòa bình thế giới và Phát triển bền vững”.

Trong đó, “đoàn kết và bao dung” không chỉ là tinh thần Phật giáo mà còn là nét đẹp truyền thống lâu đời của dân tộc Việt. Tinh thần đoàn kết đã tạo nên chiến thắng vĩ đại năm 1975 – một minh chứng rõ ràng cho sức mạnh của sự đồng lòng. Còn sự bao dung, với hình ảnh “lá lành đùm lá rách”, cũng chính là một phần của văn hóa dân tộc, đồng thời là tinh túy trong lời dạy của Đức Phật.

Chủ đề Vesak 2025
Nguồn: Báo Thanh Niên

Trong bối cảnh thế giới ngày càng nhiều biến động – chiến tranh, thiên tai, dịch bệnh – thì những giá trị như đoàn kết, chia sẻ, và tôn trọng nhân phẩm con người càng trở nên quan trọng. Theo Thượng tọa, khi con người biết đặt nhau vào trung tâm của hành động, chúng ta mới có thể góp phần hướng tới các mục tiêu phát triển bền vững mà Liên Hiệp Quốc đang kêu gọi.

5 chủ đề phụ được thảo luận trong Vesak 2025 gồm:

  • Nuôi dưỡng bình an nội tâm vì hòa bình thế giới

  • Tha thứ và chữa lành bằng chánh niệm: Con đường hòa giải

  • Từ bi Phật giáo trong hành động: Trách nhiệm chung vì sự phát triển con người

  • Chánh niệm trong giáo dục vì tương lai nhân ái và bền vững

  • Thúc đẩy đoàn kết: Nỗ lực hợp tác vì hòa hợp toàn cầu

Thượng tọa Thích Trí Chơn – Phó Trưởng ban Văn hóa Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Trưởng ban Văn hóa Phật giáo TP.HCM và viện chủ Tu viện Khánh An – cho biết: Vesak không chỉ là một nghi lễ tôn giáo, mà còn là dịp để cả nhân loại cùng ngồi lại, trò chuyện về văn hóa, đạo đức và con đường đi tới hòa bình cho thế giới.

Theo thượng tọa, hạnh phúc, an lạc hay thành công đều cần có nền tảng là sự đoàn kết. Đó là giá trị mà dân tộc Việt Nam đã nuôi dưỡng qua hàng ngàn năm.

Còn bao dung, theo lời thượng tọa, chính là: “chấp nhận và hoan hỷ cho nhau, thừa nhận sự có mặt của người kia ở nhiều lĩnh vực; không lấy tư kiến của mình để định đoạt người kia mà chấp nhận sự khác biệt trên nhiều lĩnh vực.”

Thượng tọa Thích Trí Chơn chia sẻ thêm: “Ban tổ chức Vesak 2025 muốn nhấn mạnh thông điệp nâng cao nhân phẩm của con người. Tình hình thế giới hiện nay đầy biến động, chiến tranh ở một số nơi, nhân mạng con người đã bị đe dọa vì ý thức hệ, vì tranh giành chủ quyền… gây nên bao nhiêu đau khổ và tội ác. Vậy nên, cuộc sống này phải hòa bình và bao dung để kiến lập thế giới bình an.”

Tuệ giác Phật giáo – ánh sáng từ sự thực tập

Thượng tọa cũng làm rõ rằng, tuệ giác không đơn thuần là sự hiểu biết hay thông minh. Tuệ giác là kết quả từ hành trình tu tập và giác ngộ.

Người con Phật có thể chạm đến tuệ giác thông qua thực hành từ bi, hỷ xả – sống bằng trái tim rộng mở và hiểu biết sâu sắc. Có ba điều quan trọng giúp nhận ra tuệ giác, đó là:

  • Vô thường: Mọi sự vật, hiện tượng đều sinh – diệt, diệt – sinh

  • Duyên sinh: Cảm xúc và sự vật đều không tồn tại độc lập

  • Bất toại nguyện: Cuộc sống không thể luôn theo ý mình

Với cái nhìn ấy, người tu tập sẽ có được một tâm bình an, nhìn cuộc đời với sự thông hiểu và lòng từ.

Phát triển bền vững – trách nhiệm từ trái tim hiểu biết

Chương trình đại lễ VESAK Liên Hợp quốc 2025 tại Việt Nam
Chương trình đại lễ VESAK Liên Hợp quốc 2025 tại Việt Nam

“Phát triển bền vững”, theo thượng tọa, là cách sống, cách phát triển hôm nay mà không làm tổn hại tới thế hệ tương lai. Ông nhấn mạnh: “Mỗi chúng ta cần ý thức và trách nhiệm để thực hiện, thực tập sống đoàn kết và bao dung, nhân phẩm con người được nâng cao, sự công bằng và bình đẳng được thiết lập trong cuộc đời, tu tập có được tuệ giác của Đức Phật. Làm được như vậy là mỗi người đã góp phần kiến tạo một thế giới hòa bình và sự phát triển bền vững, tốt đẹp cho mình, cho đất nước và toàn thế giới.”

Hành trình tôn kính Xá lợi Đức Phật

Xá lợi Đức Phật Thích Ca Mâu Ni
xá lợi của Đức Phật được khai quật tại làng Piprahwa, huyện Sidharth Nagar, tiểu bang Uttar Pradesh tại Bảo tàng Quốc gia New Delhi.

Trong khuôn khổ Vesak 2025, Giáo hội Phật giáo Việt Nam sẽ tôn trí Xá lợi Đức Phật – một bảo vật quốc gia Ấn Độ – tại nhiều địa điểm tại Việt Nam trong 20 ngày:

  • Chùa Thanh Tâm, Học viện Phật giáo Việt Nam, công viên Láng Le (Bình Chánh, TP.HCM): từ 2 – 8.5

  • Núi Bà Đen (Tây Ninh): từ 8 – 13.5

  • Chùa Quán Sứ (Hà Nội): từ 13 – 16.5

  • Chùa Tam Chúc (Hà Nam): từ 17 – 21.5

Sau hành trình này, Xá lợi sẽ được đưa trở lại Ấn Độ.

Xem thêm:
Ý nghĩa của ngày Đại lễ Phật đản Liên hợp quốc – Vesak

Đại lễ Vesak 2025 (Lễ Phật Đản) được tổ chức tại Việt Nam đầu tháng 5

Chương trình đại lễ VESAK Liên Hợp quốc 2025 tại Việt Nam

Lễ chiêm bái Xá lợi Đức Phật Thích Ca Mâu Ni từ ngày 3/5