Mùa Phật Đản nhớ Nhất Chi Mai

Những ngày tháng 5 đổ lửa, mùa Phật Đản 1967, giữa lòng Sài Gòn, huyền thoại Nhất Chi Mai hóa thân thành ngọn đuốc, thắp sáng khát vọng hòa bình cho thế hệ.

Nhất Chi Mai, loài hoa mai trắng quý hiếm dành cho những bậc giàu sang vương giả, đó cũng là tên được đặt cho người phụ nữ chân yếu tay mềm nhưng tinh thần bất khuất – hiến dân cuộc đời cho hòa bình của dân tộc, dù thế hệ trẻ ngày nay không nhiều người biết đến chị.

Vừa mới hôm nào Lửa YẾN PHI
bay lên… nối cánh Lửa TỪ BI;
giờ đây, lại nỗi lòng dân Việt
đau xé trời Nam: Lửa NHẤT CHI…!
ba đợt cháy lên Thông Điệp Lửa,
đêm sao có thể đặc như chì?
đốt cho bom đạn tan thành lệ,
hai ngả sông sầu hãy nguyện đi!
hãy nguyện cho màu tang nổi gió
trên đầu quả phụ với cô nhi!
mẹ ơi, tóc hãy làm giông tố!
màu tóc màu tang có khác gì…
trắng một vòng bay quanh Trái Đất,
nối dài Thông Điệp Lửa uy nghi.
sáng chưng Hoả Lệnh, bồ câu trắng
sẽ đốt Thời Gian mở lối về.

—- đêm phật đản 2511
Đây là bài thơ của Thi bá Vũ Hoàng Chương viết sau sự kiện Nhất Chi Mai mùa Phật Đản 1967.
Trong bài thơ:
  • Lửa YẾN PHI đề cập đến Nguyên Thương – Đào Thị Yến Phi.
  • Lửa TỪ BI là Hòa thượng Thích Quảng Đức.
  • Còn Lửa NHẤT CHI – chính là thích nữ Phan Thị Mai, tự Nhất Chi, pháp danh Diệu Huỳnh, người đã tự thiêu vào ngày 16 tháng 5 năm 1967 tại chùa Từ Nghiêm, Sài Gòn để kêu gọi hòa bình cho dân tộc Việt Nam.
Huyền thoại Nhất Chi Mai, hầu như không được nhắc nhiều trong sách sử, cũng không được dựng nên hình tượng anh hùng hay thánh sống, âu cũng là chuyện thường tình trong dòng chảy thời cuộc.

Nhất Chi Mai là ai?

Phật tử Phan Thị Mai, vốn là một cô giáo tiểu học tại trường Tân Định, Sài Gòn, chị sớm tham gia phong trào Thanh niên phụng sự xã hội (TNPSXH – hay School of Youth for Social Services – SYSS) do thầy Thích Nhất Hạnh khởi xướng.

Nhất Chi Mai

TNPSXH là một tổ chức từ thiện xây dựng lại các làng bị bỏ bom, xây dựng trường học và các trạm xá, và giúp các gia đình bị trở thành vô gia cư trong Chiến tranh Việt Nam. TNPSXH/ SYSS bao gồm 10.000 tình nguyện viên và tác viên xã hội giúp đỡ các làng mạc bị chiến tranh tàn phá, xây dựng lại trường học và thành lập các trạm xá.

Trường Thanh niên phụng sự xã hội

Chị Mai là con gái út một gia đình giàu có, chị được cha mẹ nuông chiều, chưa bao giờ đi đến những làng mạc xa xôi như thầy và chúng tôi đã từng đi thăm ở hai bên bờ thượng nguồn sông Thu Bồn, làng mạc và đồng bào đang bị cày xới bởi đạn bom.

Hồi ký Sư cô Chân Không – Làng Mai.

Khi thiền sư Thích Nhất Hạnh sáng lập nên Dòng tu Tiếp Hiện, thì Phan Thị Mai là một trong 6 người đệ tử đầu tiên được thọ giới, cũng là chị cả trong 6 đại đệ tử của Dòng tu Tiếp Hiện (đôi khi được gọi là “Sáu cây Đại thụ”).

Lễ thọ giới đầu tiên được tổ chức ngày 16 tháng 1 năm Bính Ngọ (ngày 5 tháng 2 năm 1966), trong đó, 6 người được thọ giới là Phan Thị Mai (Nhất Chi Mai), Cao Ngọc Phượng (Sư cô Chân Không), Phan Thúy Uyên, Đỗ Văn Khôn, Nguyễn Văn Phúc và Bùi Văn Thanh.

Sáu đệ tử đầu tiên thọ giới Dòng Tu Tiếp hiện

Cho đến năm 2006, số người đã được thọ giới trên thế giới đã lên trên con số 1000, gồm hơn 30 quốc tịch khác nhau.

Những ngọn đuốc bất tử

Bồ tát Thích Quảng Đức tự thiêu
Bồ tát Thích Quảng Đức tự thiêu để phản đối sự đàn áp phong trào Phật giáo vì hòa bình

Sau sự kiện Tự thiêu của Hòa thượng Thích Quảng Đức mùa hè 1963 (11/6), ngọn lửa đấu tranh cho hòa bình ở miền Nam Việt Nam rực cháy hơn bao giờ hết, đặc biệt trong giới học sinh sinh viên và Phật tử. Điều đó dẫn đến các cuộc đàn áp dã man cũng như những âm mưu chiêu dụ hay chia rẽ của chính quyền Sài Gòn.

Ngay cả tại Hoa Kỳ, phong trào phản đối chiến tranh Việt Nam cũng đang lên cao trào, đặc biệt là sự kiện Norman Morrison (1933 – 1965) là một tín hữu Quakers và là một người yêu chuộng hòa bình đã tự thiêu trước Lầu Năm Góc (Hoa Kỳ) để phản đối chiến tranh Việt Nam vào năm 1965.

Ê-mi-ly, con ơi!

Trời sắp tối rồi…

Cha không bế con về được nữa!

Khi đã sáng bùng lên ngọn lửa

Đêm nay mẹ đến tìm con

Con sẽ ôm lấy mẹ mà hôn

Cho cha nhé

Và con sẽ nói giùm với mẹ:

Cha đi vui, xin mẹ đừng buồn!

Oa-sinh-tơn

Buổi hoàng hôn

Còn mất?

Đã đến phút lòng ta sáng nhất

Ta đốt thân ta

Cho ngọn lửa chói loà

Sự thật……….

—– Bài thơ Emily con ơi! – tưởng nhớ Morrison (Tố Hữu)

Tại Việt Nam cùng năm, 14 giờ 30 ngày 26-1-1965 (nhằm 24 tháng Chạp năm Giáp Thìn) trước tòa hành chánh tỉnh Khánh Hòa, trong lúc chư Tăng Ni và Phật giáo đồ đang tuyệt thực, Phật tử Đào Thị Yến Phi đã tự tay tưới xăng vào mình và châm lửa tự thiêu, trở thành vị thánh tử vì đạo.

Công viên Yến Phi - Khánh Hòa
Công viên Yến Phi – Khánh Hòa

Tháng 5/1966, nhân việc thầy Thích Nhất Hạnh được mời sang Hoa Kỳ để thuyết giảng kêu gọi hòa bình, chính quyền Sài Gòn lập tức hủy bỏ hộ chiếu và chặn con đường trở về của thiền sư, như một cách để loại bỏ một trong những người có ảnh hưởng nhất trong giới Phật tử và thanh niên bấy giờ.

Tại Việt Nam, các đệ tử của thầy Nhất Hạnh vẫn tiếp tục đấu tranh kêu gọi hòa bình bất chấp sự đàn áp ngày càng tăng. Chính quyền Sài Gòn càng mạnh tay, càng tàn bạo thì ngọn lửa đấu tranh càng cháy dữ dội hơn.

Đấu tranh vì Hòa bình

Lửa hòa bình Nhất Chi Mai

Nhân ngày lễ Phật đản lần thứ 2511, sáng sớm bình minh ngày 16/5/1967, Thích nữ Nhất Chi Mai đã tưới xăng lên mình và châm lửa tự thiêu trước sân chùa Tư Nghiêm, Sài Gòn (nay là chùa Từ Nghiêm thuộc Quận 10, thành phố Hồ Chí Minh) và để lại di thơ với những lời thơ bất hủ:

Xin đem thân làm đuốc,

Xin soi sáng U Minh,

Xin tình người thức tỉnh,

Xin Việt Nam Hòa Bình.

Trước đó, theo lời kể của sư cô Chân Không:

Ngày 13 tháng 05 năm 1967 là thứ bảy. Khi tôi đang ngồi yên trước cửa sổ phòng tĩnh tu, nhìn ra rừng – tôi đang thở thì chị Uyên gõ nhẹ vào cửa, báo tin chị Mai mới tới, chị Uyên reo to:

– Ui chao, chị Mai mặc áo tím có kim tuyến trông rất đẹp, tóc bới cao cài trâm như sắp đi dự lễ hội. Chị lại đem theo một mâm bánh chuối rất lớn để đãi mọi người.

Tôi bước ra khỏi phòng, cười liến thoắng:

– Lý do gì mà chị Mai bỏ đi tu ngày chánh niệm hai tuần liên tiếp, ý gì mà mặc áo đẹp, mà vấn tóc cao, mà đem bánh vào đãi mọi người? Chị Mai sắp báo tin có ai “chạm ngõ” phải không?

Các em TNPSXH ồ lên:

– Có thể lắm, có thể lắm.

Chị Mai chỉ im lặng và cười. Chị mời mọi người ăn bánh rồi hối hả đi thăm Lê Văn Vinh, xuống bếp thăm dì Tư, thăm từng em sinh viên. Xong, trước khi lên xe chị đến nắm tay tôi và nói:

– Thứ ba, Phật Đản, Phượng đến chùa Từ Nghiêm lúc bảy giờ nhé để dự lễ với chị Mai.

Tôi lại nhăn mặt hỏi:

– Lễ chi mà sớm vậy chị Mai? Với lại mình tu mỗi tuần một ngày tại Chùa Lá của mình là đủ rồi, em đâu có thì giờ để đi những lễ lượt Phật Đản đông đúc người ở chùa Từ Nghiêm.

Chị vẫn năn nỉ:

– Thôi mà, đi một chút với chị Mai mà, vui lắm, Phượng nhớ đi nghen!

Tôi lại bực, nghĩ tánh cũ của chị Mai vẫn thế, chị ưa làm gì, dù chúng tôi chẳng thích, cũng cứ kèo nài bắt làm theo cho bằng được, giống như việc bán gạo và bán xà bông. Tôi càu nhàu ra mặt:

– Thôi mà! Chị Mai đi chùa Từ Nghiêm dùm em, đừng bắt em đi, em đâu có thì giờ dự các lễ lượt đông đảo đó.

Chị nhìn em thật buồn và nói:

– Phượng không đi thì thôi, đừng quạu thế.

Và chị ra về. Tôi hơi mắc cỡ, định bụng thứ ba thế nào cũng gắng ghé qua chùa Từ Nghiêm cho chị vui, nhưng chiếc áo kim tuyến, chiếc bánh tặng mọi người khiến tôi hơi hờn nên sáng đó thứ ba ngày 16 tháng 5 năm 1967 là ngày Phật Đản tôi vẫn chưa muốn đi. Cho đến khi Ngọc, TNPSXH đến nhà tôi, báo tin chị Mai đã tự thiêu ở phía trước chánh điện chùa Từ Nghiêm, ở ngoài hành lang. Tôi sững sờ ngồi yên thật lâu, không nói được một lời.

Thì ra sau cái chết của Trần Thị Vui, Trương Thị Phượng Liên và 16 em gái bị lựu đạn, khi tụng giới, chị đã quyết định thiêu thân cúng dường cho hòa bình và hai tuần liên tiếp là hai tuần chị muốn ở nhà chơi với ba má, dành cho cha mẹ những giờ phút êm đẹp nhất của người con hiếu thảo và cũng trong hai tuần chị lặng lẽ chuẩn bị cho sự hy sinh.

Hồi ký Sư cô Chân Không – Làng Mai.

Trước khi tự thiêu, thích nữ Nhất Chi Mai cũng gởi một lá thư cho tổng thống Mỹ bấy giờ là Lyndon Johnson:

“Kính thưa Quý Ngài,

Là một thiếu nữ tầm thường, tài hèn sức kém, tôi quá xót thương về hiện trạng quê hương tôi. Sáo ngữ “Bảo vệ tự do và hạnh phúc” cho Việt Nam mà quý Ngài dùng làm chiêu bài bấy lâu nay, đã quá lỗi thời và lố bịch.

Bao nhiêu tấn bom đạn, bạc tiền quý Ngài đã đổ trút lên Dân tộc tôi, để tàn phá tinh thần và thân xác quốc gia của họ. Bao nhiêu người Việt Nam có lòng với quốc gia và Dân tộc thì bị quý Ngài đàn áp hãm hại?

Bao nhiêu người Mỹ sáng suốt, nhân đạo và dũng cảm dám chỉ trích sự lầm lạc của quý Ngài, thì bị quý Ngài kết án lưu đày. Vậy mà Hạnh phúc, Tự do! Quý Ngài có biết người Việt chúng tôi, hầu hết trong thâm tâm của họ, họ chán ghét người Mỹ đã mang chiến tranh đau khổ đến cho xứ sở của họ lắm rồi chăng?

Càng leo thang chiến tranh, càng đổ nhiều nhân lực và tài lực tại đây, các Ngài chỉ thất bại chua cay thôi. Sự vụng về (?) của quý Ngài làm cho quý Ngài mất hết chính nghĩa.

Xin đọc lại trang sử Việt Nam.

Xót thương cho Dân tộc tôi, tội nghiệp cho những người lính Mỹ và thân nhân họ. Họ bị xô vào cuộc chiến tranh phi lý và bỉ ổi. Người ta đã dùng mỹ từ để đầu độc họ. Vinh dự gì cho người Mỹ, nếu trên 20 năm mới chiến thắng Việt Nam bé nhỏ chút chiu này?

Nhục nhã gì cho người Mỹ, nếu biết nhận thức mình là đại cường quốc, có lúc đi quá trớn và giờ muốn dừng lại? Để cứu nguy cho hàng triệu sinh mạng người Việt Nam, người Hoa Kỳ và danh dự đại cường Hiệp Chủng Quốc, tôi xin mạo muội đề nghị các biện pháp sau:

1. Ngưng oanh tạc Bắc Việt và Nam Việt Nam.

2. Từ từ rút binh, giao cho người Việt Nam định đoạt số phận họ.

3. Nhờ Liên Hiệp Quốc kiểm soát tổng tuyển cử. Người Việt Nam nếu được tự do thật sự, họ đủ khôn ngoan để chọn lựa chế độ nào tự do và hạnh phúc.

4. Giúp đỡ nhân dân Việt Nam, tái thiết xứ sở họ, đã tan nát vì bom đạn của quý Ngài. Người Việt Nam sẽ là người em nhỏ hiền hòa và biết ơn người anh Mỹ sáng suốt hào hiệp.

Lịch sử Việt Nam, lịch sử Hoa Kỳ và lịch sử Thế Giới sẽ ghi nhận hành động Văn minh và nhân bản của quý Ngài.

Cẩn ký

Người tự thiêu để chống chiến tranh

Thích nữ Nhất Chi Mai tự Nhất Chi”

Ngoài ra, chị còn để lại tự thuật và các bức thư:

Tự thuật sau cùng của Nhất Chi Mai

Tôi viết tất cả 10 bức thư để lại.

Ngày mai tôi sẽ lo lắng một mình tôi buổi lễ tự thiêu.

Tôi cho các nhà báo, nhiếp ảnh hay và một ít bạn thân đến nơi tôi dự định mà không cho họ biết trước chuyện gì sẽ xẩy ra.

Tôi mua 10 lít xăng. Địa điểm tôi chọn là Chùa Từ Nghiêm, tôi có ý đến Nhà Thờ Đức Bà hay một nơi công cộng có tính cách lịch sử một chút, mà thôi.

Phía trước mặt tôi đặt hai bức tượng: Đức Mẹ Maria với hai bàn tay đưa ra. Đức Quán Thế Âm với đôi mắt dịu hiền. Cả hai nhìn tôi và ban ơn cho tôi tròn ước nguyện. Trước mặt và sau lưng tôi có hai biểu ngữ tôi viết:

“Con chắp tay quỳ xuống

Xin Đức Mẹ Maria

Đức Quan Âm, Phổ Hiền

Cho con và ước nguyện.”

Và:

“ Xin đem thân làm đuốc

Xin soi sáng U Minh

Xin Tình người thức tỉnh

Xin Việt Nam Hòa Bình”.

Cầu xin cho tôi can đảm, bình tĩnh mà ngồi yên trong lửa đỏ.

Tôi sẽ quỳ xuống chấp tay niệm Phật và thầm gọi “Việt Nam”.

Người tự thiêu cầu Hòa Bình
Thích Nữ Nhất Chi Mai
Tự: Nhất Chi
Pháp danh: Diệu Huỳnh.

THƯ GỬI THẦY
(Chị Nhất Chi Mai là một trong sáu người đầu tiên được thọ 14 Giới Tiếp Hiện với Thầy Làng Mai)

Việt Nam, 15 – 5 – 67.
Kính bạch Thầy,

Ngày mai con sẽ thiêu thân để cầu Hòa Bình cho Việt Nam. Con xin đóng góp với Thầy, với tất cả những nhà nhân bản Việt Nam và thế giới trong phong trào Mong Hòa Bình cho Việt Nam bằng tất cả những gì con hiện có.

Con mong tất cả an lòng, tiếng nói nhân bản, chính nghĩa sẽ được tiếp nối và kết quả không lâu.

ThuguiThayNhatChiMai.jpg
thư Nhất Chi Mai gởi Thầy

Kính thư,
Thích Nữ Nhất Chi Mai
Tự: Nhất Chi
Pháp danh: Diệu Huỳnh
Tự thiêu để cầu Hòa Bình Việt Nam
Mùa Phật Đản 2511 (5-1967)

 

Hậu sinh có nhớ Một cành mai!

Nhất Chi Mai

Cái giá của chiến tranh và cái giá của hòa bình, tuy hai mà một, là biết bao sinh mạng ngã xuống, ở phía này, phía kia và những người kẹt giữa 2 làn đạn.

Dân tộc Việt Nam đã phải đánh đổi những gì để có được những ngày yên ả?

Đó là hàng triệu người đã nằm xuống, có địch, có ta, có những nấm mồ vô danh và có những anh hùng được dựng bia, tạc tượng.

Và cũng có nhiều lắm những Nhất Chi Mai, hiến dâng cuộc đời mình để thắp lên ngọn đuốc khát vọng hòa bình cho cả một thế hệ …  rồi để gió cuốn đi.

Mùa Phật Đản năm nay, với chủ đề “Đoàn kết và bao dung vì nhân phẩm con người”. Xin mạn phép nhớ về Một cành Mai đã lãng quên!