Gởi những NGƯỜI LỚN!
Những người đang mang trong mình bao trách nhiệm, kỳ vọng, và cả những nỗi lo lắng bất tận của cuộc đời.
Hôm nay, tôi viết lá thư này không phải để phán xét hay chỉ trích, mà để gửi đến NGƯỜI LỚN một lời khẩn cầu từ trái tim: Hãy dừng lại một chút, nhìn vào những đứa trẻ, những thanh thiếu niên đang lớn lên quanh chúng ta, và tự hỏi – liệu chúng ta có đang quên rằng mình cũng từng là một đứa trẻ, từng vụng dại, từng sai lầm, và từng khao khát được thấu hiểu?
1. Tuổi trẻ – Một hành trình đầy sai lầm và khát vọng
Tôi nhớ những ngày còn bé, khi tôi lấy khăn quàng bịt mắt rồi chạy xe đạp trên đường làng, ngã trầy cả đầu gối, chỉ để khoe với đám bạn rằng mình “chất” đến thế nào. Tôi cũng nhớ những lần cãi lời mẹ để ra đồng bắt cua với bạn giữa trưa hè, chỉ vì muốn chứng tỏ rằng mình đủ lớn để tự quyết định.
Những sai lầm ấy, giờ nghĩ lại, thật ngốc nghếch nhưng đều là những kỷ niệm tôi mang theo và ghi nhớ đến giờ. Vì chính qua những lần vấp ngã, tôi học được cách đứng dậy, học được rằng thế giới không chỉ có mình tôi, và học được rằng sai lầm là một phần tất yếu của việc trở thành người lớn.
Thế nhưng, khi nhìn vào cách một số người lớn đối xử với thanh thiếu niên hôm nay, tôi không khỏi băn khoăn.
Hai cậu bé chạy xe không đội mũ bảo hiểm bị công an thổi phạt và báo chí đăng tin, cư dân mạng liền ùa vào chửi mắng thậm tệ, như thể chúng vừa phạm phải một tội ác không thể tha thứ.
Một cô bé lớp 11 mặc váy ngắn đi học và bị giám thị phạt không cho vào lớp, các bạn chụp hình đăng lên Facebook và cả trăm người chia sẻ, bình luận về hình tượng “hư hỏng” của giới trẻ, thậm chí không thiếu sự đánh đồng thô tục từ chính những người phụ nữ trưởng thành. Có ai, tự hỏi với độ tuổi đó, tâm lý ấy diễn biến thế nào, nguyên nhân sâu xa vì sao khi cô bé muốn ăn mặc như vậy?
Một nhóm học sinh nói tục, cười đùa ồn ào ở quán cafe góc phố, và những người khách nhìn chúng với ánh mắt khinh miệt, như thể đó là những kẻ bỏ đi, không xứng đáng được tôn trọng.
Có phải chúng ta, những NGƯỜI LỚN, đã quên rằng mình cũng từng có một thời như thế? Từng bốc đồng, từng muốn phá vỡ những qui tắc, từng khao khát được thể hiện được phong cách, cá tính, được nổi bật?
2. Nỗi sợ và sự cầu toàn che lấp lòng vị tha
Tôi hiểu rằng làm người lớn không dễ. Chúng ta mang trên vai quá nhiều gánh nặng của gia đình, công việc, và cả những kỳ vọng của xã hội. Chúng ta sợ rằng nếu không “dạy dỗ” ngay, những đứa trẻ sẽ đi sai đường, sẽ gây ra hậu quả không thể sửa chữa. Chúng ta sợ rằng nếu không nghiêm khắc, chúng sẽ không biết tôn trọng luật lệ, không biết sống đúng đắn.
Nhưng chính nỗi sợ ấy, đôi khi, đã khiến chúng ta quên đi lòng vị tha – thứ mà chính chúng ta từng khao khát khi còn trẻ.
Câu chuyện của bản thân tôi, ở độ tuổi thiếu niên, mượn chiếc xe Cup của bố để đèo 2 thằng bạn thân đi chơi khuya và bánh xe đã gãy đôi khi chúng tôi phi nước đại lên dốc cầu trong cơn phấn khích. Đêm hôm đó, tôi dắt chiếc xe gãy bánh vào sân, cảm giác như bầu trời sắp sụp xuống, chờ đợi cơn thịnh nộ của bố, bố tôi đang đứng ngoài cửa chờ tôi về.
Nhìn tôi đang bị đóng băng vì sợ hãi, bố im lặng, dắt xe vào nhà và bảo đi ngủ đi mai còn đi học. Đêm đó, nước mắt tôi tự động tuôn dài đến khi chìm vào giấc ngủ, hối hận thì một mà thương bố thì gấp ngàn lần, chiếc xe Cup là tài sản lớn nhất của gia đình tôi khi đó, là phương tiện để bố tôi đi làm nghề thú y quanh xã để nuôi sống gia đình.
Chắc chắn bố tôi có quá đủ lý do và sự giận dữ để quát mắng và trừng phạt, nhưng, ông đã lựa chọn khác đi, điều đó đã đánh thức tình thương và tinh thần trách nhiệm trong đầu óc non trẻ của tôi, để rồi sau đêm đó, tôi trở thành một cậu thiếu niên bớt bồng bột hơn, biết nghĩ tới gia đình hơn.
Chúng ta đòi hỏi thanh thiếu niên phải “hoàn hảo” như người lớn, nhưng quên rằng chính chúng ta cũng không hoàn hảo, và hành trình trưởng thành của chúng ta được xây nên từ những sai lầm.
3. Sai lầm là người thầy vĩ đại nhất
Trong triết lý Phật giáo, có câu rằng mọi thứ trong cuộc đời đều là nhân quả, và mỗi sai lầm là một bài học để ta gieo nhân tốt hơn.
Thanh thiếu niên, với trái tim còn non trẻ và tâm trí đang tìm kiếm bản sắc, sẽ không thể tránh khỏi những hành động nông nổi và vấp ngã.
Một cậu bé lạng lách xe máy chắc chắn không để gây hại cho mình và người khác, mà ở độ tuổi đó, tâm lý cậu ấy sẽ muốn chứng tỏ với bạn bè, muốn làm nổi, muốn cảm nhận cảm giác tự do trong thế giới nhiều luật lệ. Một cô gái chửi thề không hẳn vì thiếu giáo dục hay hỗn láo, mà có thể vì đang học cách thể hiện cảm xúc hoặc muốn chứng tỏ sự mạnh mẽ, nổi loạn, dù sai cách.
Những sai lầm ấy chắc chắn không phải là dấu chấm hết cho sự phát triển của một con người, mà chúng là những biểu hiện thường gặp trên con đường học hỏi và trưởng thành của người trẻ.

Thay vì trừng phạt, hãy thử ngồi xuống và hỏi họ: “Tại sao con làm vậy? Con cảm thấy thế nào?”
Hãy kể cho họ nghe câu chuyện của chính bạn – lần bạn chạy xe ngã vì mải mê khoe khoang, hay sự hối hận kéo dài của bạn vì một lần cãi lời mẹ, làm mẹ buồn. Hãy để họ thấy rằng bạn không chỉ là người lớn, mà còn là người từng trẻ, từng sai, và từng được tha thứ và học được cách sửa chữa.
Chính sự thấu hiểu ấy sẽ giúp cảm nhận được tình thương, sự quan tâm để họ họ có thể mở lòng và tiếp nhận điều hay điều tốt thay vì khép mình lại trong sự sợ hãi hay nổi loạn.
4. Khi người lớn quên mình từng trẻ
Có một điều đau lòng là nhiều người lớn, khi đã bước qua tuổi trẻ, cuốn vào dòng chảy cơm áo gạo tiền, công danh sự nghiệp, trách nhiệm gia đình, dường như dễ dàng quên mất những giấc mơ, những khát khao, và cả những nỗi đau, lỗi lầm của chính mình thời trẻ dại.
Họ quên rằng mình từng bị mắng là “mất dạy”, “vô dụng”, “ngu dốt” hay “xấu như ma” và cảm thấy thế giới của mình như sụp đổ.
Họ quên rằng mình từng muốn ăn mặc khác lạ, để kiểu tóc của ca sĩ, diễn viên thần tượng, chỉ để cảm thấy mình đặc biệt hoặc không thua kém gì bạn bè. Họ cũng quên rằng mình từng nói những lời ngốc nghếch hay có những hành động nổi loạn, chỉ để được bạn bè chú ý.
Và khi quên đi những điều ấy, họ trở nên khắc nghiệt và đánh mất lòng vị tha, không phải vì ác ý, mà vì họ đã đánh mất sự kết nối với đứa trẻ trong lòng mình.
Chẳng phải nhiều người lớn chúng ta, trong các cuộc gặp mặt thân tình với bạn bè cũ đều hào hứng kể lại về “tuổi thơ dữ dội”, hay tiếc nuối về một thời thanh xuân bồng bột nhưng cũng lắm phiêu lưu và sôi nổi?
Tôi có một cô bạn, những năm trước, có lần cô ấy tâm sự, mắt đỏ hoe, rằng không biết làm sao để kết nối với con trai mình nữa. Cậu bé, mới 16 tuổi, ngày càng xa cách, không còn kể chuyện trường lớp bạn bè với mẹ, và cô cũng không biết phải mở lòng thế nào. Mọi chuyện bắt đầu từ cái lần cô nổi cơn thịnh nộ với con trai mình ngay trước mặt bạn bè, khi bắt gặp cậu ấy ngồi chung với 2 nam sinh đang hút thuốc ở quán nước trước cổng trường.
Tưởng như sợi dây kết nối giữa 2 mẹ con sẽ khó mà hàn gắn được.
Rồi tình cờ, một ngày nọ, khi chuẩn bị đồ ăn vặt cho cậu bé mang đi xem show ca nhạc cùng với các bạn trong lớp, cô vui miệng kể về lần trốn học thêm buổi tối để đi xem ca sĩ thần tượng với nhóm bạn thân, dù về khuya bị mẹ mắng nhưng vẫn thấy vui vì dám thực hiện điều mình khao khát. Cậu bé ngạc nhiên, rồi cười, và lần đầu tiên sau nhiều tháng, hai mẹ con ngồi nói chuyện một cách cởi mở. Từ hôm đó, cậu bé lại kể cho mẹ nghe về chuyện ở lớp, chuyện bạn bè.
Chỉ một câu chuyện nhỏ, một chút mở lòng, đã kéo họ lại gần nhau một lần nữa. Vậy tại sao chúng ta không làm điều đó thường xuyên hơn với con trẻ?
5. Lời khẩn cầu từ trái tim
Thưa những NGƯỜI LỚN,
Tôi không xin các bạn bỏ qua mọi sai lầm của thanh thiếu niên. Tôi không xin các bạn ngừng dạy dỗ hay hướng dẫn chúng. Nhưng tôi xin các bạn, hãy nhìn họ bằng trái tim của một người từng trẻ.
Hãy nhớ lại những ngày đã xa, khi bạn ngã, bạn khóc, và bạn cần một bàn tay nâng đỡ, chứ không phải một lời quát mắng. Hãy nhớ những lần bạn gây ra lỗi lầm và ước ao của bạn lúc ấy chỉ là một lời trách mắng nhẹ nhàng, một câu nói “con làm vậy là ba/ mẹ buồn lắm” thay vì những cơn thịnh nộ lặp lại ngày này qua ngày khác.
Hãy để lòng vị tha dẫn lối, để sự thấu hiểu thay cho sự phán xét, áp đặt và chối bỏ.
Hãy thử một lần ngồi xuống, lắng nghe câu chuyện của họ. Hãy thử kể cho họ nghe về những lần bạn sai, và cách bạn vượt qua. Hãy cho họ thấy rằng sai lầm không phải là tội lỗi, mà là cơ hội để lớn lên. Và trên hết, hãy để họ biết rằng bạn tin vào họ, tin rằng họ sẽ tìm được con đường của mình, như cách bạn đã làm.
Ngay cả đối với những kẻ lạc lối là những đứa trẻ xa lạ, xin đừng nỡ buông những lời cay nghiệt, ác ý, đừng hùa theo đám đông giận dữ. Xin hãy để con đường sửa chữa bản thân và trưởng thành của những người trẻ không bị bịt kín bởi tầng tầng lớp lớp ngôn từ độc hại và cái nhìn ác cảm từ NGƯỜI LỚN.
6. Hành trình cùng nhau
Không ai trong chúng ta sinh ra là hoàn hảo, và sự thật là, chúng ta cũng chẳng bao giờ là hoàn hảo, cuộc đời mỗi người luôn là một hành trình học hỏi từ sai lầm. Thanh thiếu niên hôm nay sẽ trở thành người lớn ngày mai, và họ sẽ mang theo những bài học từ chúng ta.
Nếu chúng ta dạy họ bằng sự khắc nghiệt, họ sẽ sợ hãi và học cách che giấu, thậm chí là phớt lờ, chống đối. Nhưng nếu chúng ta dạy họ bằng tình yêu thương và sự thấu hiểu, họ sẽ học cách đối diện với sai lầm, học cách tha thứ cho bản thân, học cách yêu thương và sống có trách nhiệm.
Lẽ tự nhiên, người lớn và trẻ con không lý nào lại phải đứng ở hai đầu chiến tuyến, mà phải là những người bạn đồng hành. Hãy để tuổi trẻ của họ rực rỡ, dù có chút vụng dại, như cách tuổi trẻ của bạn từng dữ dội & rực rỡ.
Và hãy luôn nhớ rằng, trong sâu thẳm, bạn vẫn mang một phần của đứa trẻ năm nào – đứa trẻ ấy đang chờ bạn lắng nghe, yêu thương, và tha thứ, để tiếp tục chữa lành những vết thương vẫn còn sót lại trên hành trình trở thành NGƯỜI LỚN của chính bạn.
Với tất cả sự chân thành,
Một người từng trẻ, và vẫn đang học cách làm NGƯỜI LỚN.