Tổ đình Từ Hiếu – ngôi cổ tự gắn bó với Thiền sư Thích Nhất Hạnh

Tổ đình Từ Hiếu là nơi thiền sư Thích Nhất Hạnh đã xuất gia và cũng là nơi người trở về quê mẹ để tịnh dưỡng những ngày cuối cùng của một cuộc đời huyền thoại.

Tọa lạc giữa rừng thông xanh mát tại thôn Dương Xuân Thượng III, phường Thủy Xuân, thành phố Huế, chùa Từ Hiếu không chỉ là một công trình tôn giáo mà còn là một điểm đến văn hóa – lịch sử đặc biệt của Cố đô, thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước. Ngôi cổ tự này mang trong mình câu chuyện cảm động về đạo hiếu và kiến trúc độc đáo mang đậm bản sắc Huế truyền thống.

Tổ Đình Từ Hiếu

 

Nguồn Gốc Xúc Động Tổ Đình Từ Hiếu

Lịch sử chùa Từ Hiếu bắt đầu từ năm 1843, khi Hòa thượng Nhất Định quyết định từ bỏ chức vụ cao quý “Tăng Cang Giác Hoàng Quốc Tự” trong Hoàng Cung để lui về ẩn cư và chăm sóc mẹ già. Theo truyền thuyết, khi mẹ ông lâm bệnh nặng, hằng ngày ông phải vượt quãng đường 5km để mua thịt, cá về bồi dưỡng cho mẹ. Mặc cho thiên hạ đồn đoán về việc một hòa thượng lại ăn mặn, ông vẫn kiên định chăm sóc mẹ già với tất cả tấm lòng.

Câu chuyện hiếu thảo này đến tai vua Tự Đức – vốn cũng là người con chí hiếu. Cảm kích trước tấm lòng của Hòa thượng Nhất Định, nhà vua đã ban “Sắc tứ Từ Hiếu tự”. Đến năm 1848, sau khi thiền sư Nhất Định viên tịch, triều đình đã cho mở rộng và tu sửa Thảo Am thành chùa Từ Hiếu như ngày nay.

Trên tấm bia tại chùa còn khắc rõ: “Từ là đức lớn của Phật, nếu không Từ thì lấy gì tiếp độ tứ sanh cứu giúp vạn loại; Hiếu là đầu hạnh của Phật, nếu không Hiếu thì lấy gì để đạt thông cõi nhiệm bao phủ đất trời“. Đối với người Huế, chùa Từ Hiếu đã trở thành biểu tượng của đạo hiếu, là chốn thiền môn thanh tịnh qua nhiều thế hệ.

Kiến Trúc Hài Hòa Giữa Văn Hóa Và Thiên Nhiên

Chùa Từ Hiếu không chỉ nổi bật với câu chuyện lịch sử cảm động mà còn thu hút bởi kiến trúc độc đáo, hòa quyện giữa nét cổ kính và khung cảnh thiên nhiên tươi đẹp, tạo nên không gian tĩnh lặng như chốn bồng lai tiên cảnh.

Ẩn mình giữa rừng thông bát ngát, với dòng khe nước uốn quanh, chùa Từ Hiếu tạo nên phong cảnh hữu tình, thanh bình. Kiến trúc ngôi chùa được xây dựng theo hình chữ “Khẩu”, với cấu trúc ba căn hai chái: phía trước là điện thờ Phật, phía sau là Quảng Hiếu Đường, hai bên sân chùa có hai lầu bia ghi lại lịch sử hình thành qua từng thời kỳ.

Nghĩa Trang Thái Giám – Dấu Ấn Lịch Sử Đặc Biệt

Một trong những điểm đặc biệt thu hút sự tò mò của du khách là nghĩa trang của 24 vị thái giám triều Nguyễn. Theo truyền thuyết, ngôi chùa Từ Hiếu được tu sửa và mở rộng nhờ sự đóng góp của vị thái giám tên Châu Phước Năng. Với số phận bất hạnh, không có người thân khi về già, ông đã kêu gọi các thái giám trong triều đình góp sức mở rộng Thảo Am, để sau khi qua đời còn có nơi thờ tự, hương khói. Vì thế, khu vực đồi nhỏ bên cạnh chùa đã trở thành nơi an nghỉ của các vị thái giám sau khi họ qua đời.

Chùa Từ Hiếu

Đại Đức Thích Từ Hải, một phật tử tu hành lâu năm tại chùa, chia sẻ: “Trước đây những ngôi mộ này rất ít người biết đến. Hàng năm, cứ vào tháng 11 âm lịch, Chùa lại tổ chức hiệp kị, cúng viếng cho các vị thái giám này. Cũng chính vì thế nên nhiều người thương xót số phận, nên khi đến chùa cũng đến để thắp hương bày tỏ lòng thương cảm”.

Nơi Tịnh Tâm Giữa Cuộc Sống Hiện Đại

Với không gian thoáng đãng, yên bình và mát mẻ, chùa Từ Hiếu là điểm đối lập hoàn hảo với nhịp sống xô bồ của đô thị hiện đại. Vào những ngày nghỉ, ngôi chùa đón tiếp lượng lớn du khách đến tham quan, dã ngoại và tìm kiếm khoảnh khắc bình yên.

Tổ đình Từ Hiếu

Nếu bạn đang cảm thấy mệt mỏi và căng thẳng với cuộc sống thường nhật, Tổ Đình Từ Hiếu sẽ là nơi lý tưởng để tịnh tâm, thanh thản và hòa mình vào thiên nhiên, giúp bạn tạm quên đi những âu lo, phiền muộn.

Đọc thêm:
 Làng Mai – Chiếc nôi chánh niệm giữa lòng châu Âu