Phật Đản 2025 – Lễ thắp nến cầu nguyện hòa bình thế giới tại núi Bà Đen

Núi Bà Đen, Tây Ninh sẽ chính thức là điểm diễn ra Lễ thắp nến cầu nguyện hoà bình thế giới của hàng nghìn đại biểu trong khuôn khổ đại lễ Phật Đản Liên Hợp Quốc – Vesak 2025. Đồng thời, nhiều hoạt động ý nghĩa cũng sẽ được diễn ra trong ngày hội quan trọng nhất của Phật giáo thế giới.

Trong cuộc họp thứ 2 giữa Ủy ban Quốc tế Đại lễ Vesak LHQ (ICDV) và Giáo hội Phật giáo Việt Nam (GHPGVN) diễn ra vào sáng 26/2, nhiều nội dung quan trọng cho Đại lễ Vesak 2025 đã được thảo luận. Buổi họp do Trưởng lão Hòa thượng Thích Thiện Nhơn – Phó Pháp chủ HĐCM, Chủ tịch HĐTS GHPGVN, Trưởng Ban Tổ chức và Hòa thượng Phra Brahmapundit – Chủ tịch ICDV đồng chủ trì.

Các đại biểu đã bàn bạc và thống nhất nhiều nội dung trong chương trình Đại lễ Vesak Liên Hợp Quốc, dự kiến diễn ra từ ngày 6 đến 8/5/2025, cùng các hoạt động ngoại khóa có sự góp mặt của đại biểu quốc tế. Lịch trình của Đại lễ cũng đã nhận được sự đồng thuận cao. Theo đó, ngày khai mạc sẽ đón tiếp các vị lãnh đạo Giáo hội Phật giáo từ nhiều quốc gia. Ngày thứ hai sẽ tổ chức hội thảo nhóm xuyên suốt với 5 chủ đề chuyên sâu, có sự tham gia của các học giả, đặc biệt chú trọng đến các học giả trẻ. Vào ngày cuối cùng (8/5/2025), lễ Bế mạc sẽ diễn ra vào buổi sáng, và chiều cùng ngày, các đại biểu và chư tôn đức hòa thượng sẽ di chuyển đến núi Bà Đen, Tây Ninh.

Tại đỉnh núi Bà Đen, nghi lễ thắp nến cầu nguyện hòa bình thế giới sẽ được tổ chức trang nghiêm với sự hiện diện của hơn 1.000 đại biểu Vesak đến từ 80 quốc gia và vùng lãnh thổ. Hoạt động này được xem là điểm nhấn đặc biệt, thể hiện chủ đề của Vesak 2025: “Đoàn kết và bao dung vì nhân phẩm con người: Tuệ giác Phật giáo vì hòa bình thế giới và phát triển bền vững”.

Giải thích về lý do chọn núi Bà Đen làm địa điểm tổ chức lễ cầu nguyện hòa bình thế giới, Hòa thượng Phra Brahmapundit – Chủ tịch ICDV chia sẻ rằng, trong khuôn khổ chương trình năm nay, có nhiều chủ đề và nội dung, trong đó nổi bật là “Hòa Bình An Lạc”. Khái niệm này không chỉ đề cập đến sự bình an trong tâm thức, mà còn là nền tảng vững chắc để xây dựng một xã hội ổn định, hòa bình toàn cầu, cũng như khôi phục sự hài hòa với thiên nhiên và môi trường sống.

“Tại núi Bà Đen, tôi cảm nhận được nền tảng của Hòa Bình An Lạc qua tinh thần Phật giáo và hình ảnh tượng Bồ Tát Di Lặc, biểu tượng của niềm hoan hỷ và an lạc. Nơi đây, mỗi người được sống hòa mình vào thiên nhiên, có thể chia sẻ trạng thái tĩnh tại an nhiên và vẻ đẹp này với những người xung quanh. Ngọn núi thiêng này là nơi để lan tỏa tinh thần, thông điệp về hòa bình thế giới ngay trong thực tại” – Hòa thượng Phra Brahmapundit phát biểu.

Vesak 2025

Chủ tịch ICDV cũng nhấn mạnh thêm, đây không đơn thuần là một tư tưởng trừu tượng mà là minh chứng sinh động cho thấy chúng ta có thể sống trong hòa bình, ngay cả khi phát triển kinh tế, mà không làm tổn hại đến môi trường hay những người xung quanh. Chính vì vậy, một điểm đến tâm linh linh thiêng và giàu năng lượng tích cực như núi Bà Đen sẽ là điểm tựa tinh thần để mỗi cá nhân tìm kiếm sự chữa lành và an lạc.

Trong khuôn khổ cuộc họp lần hai về Đại lễ Vesak giữa ICDV và GHPGVN, đại diện của Khu du lịch núi Bà Đen đã báo cáo về công tác chuẩn bị cho lễ thắp nến cầu nguyện hòa bình.

Bà Nguyễn Lâm Nhi Thùy – Phó Tổng Giám đốc Sun Group vùng miền Nam chia sẻ: “Được đón đoàn đại biểu Vesak 2025 trong đại lễ thắp nến cầu nguyện hòa bình thế giới là niềm vinh dự lớn lao đối với Khu du lịch núi Bà Đen. Vào ngày 8/5/2025, núi Bà Đen cũng sẽ tổ chức các nghi lễ mang ý nghĩa đặc biệt để đón tiếp đoàn đại biểu trong ngày hội lớn của Phật giáo, bao gồm lễ trồng cây bồ đề và tôn trí xá lợi Phật để Phật tử và nhân dân đến chiêm bái, đảnh lễ”.

Vesak 2025

Việc chiêm bái xá lợi Phật trong Đại lễ Phật đản được xem là một trong những nghi thức có ý nghĩa sâu sắc, giúp Phật tử và nhân dân đón nhận hồng ân từ Đức Phật. Hiện nay, núi Bà Đen là một trong số ít địa điểm tại Việt Nam đang lưu giữ xá lợi Đức Phật do Liên đoàn Phật giáo thế giới tại Bồ Đề Đạo Tràng (Ấn Độ) trao tặng từ năm 2014.

Trong khuôn khổ Đại lễ Vesak 2025, Chính phủ cũng đang xem xét phê duyệt việc GHPGVN tổ chức rước xá lợi Đức Phật từ Ấn Độ và tiếp nhận trái tim Bồ Tát Thích Quảng Đức về tôn trí cho Tăng ni, Phật tử chiêm bái.

Vesak 2025

Dự kiến diễn ra từ ngày 6 đến 8/5/2025, Đại lễ Phật đản Vesak Liên Hợp Quốc 2025 là một trong những sự kiện văn hóa quốc tế quan trọng nhằm tôn vinh các giá trị nhân văn và hòa bình toàn cầu. Việt Nam dự kiến sẽ đón khoảng 2.000 đại biểu từ 80 quốc gia và vùng lãnh thổ tham dự Đại lễ, trong đó có các quan chức lãnh đạo Liên Hợp Quốc, nguyên thủ một số quốc gia, các Tăng vương, Tăng thống, chủ tịch các tổ chức Phật giáo, cùng nhiều học giả, nhân sĩ và trí thức trên toàn thế giới.

Bài trước:

Đại lễ Vesak 2025 (Lễ Phật Đản) được tổ chức tại Việt Nam đầu tháng 5

Chương trình đại lễ VESAK Liên Hợp quốc 2025 tại Việt Nam

Vesak 2025: Lễ chiêm bái Xá lợi Đức Phật Thích Ca Mâu Ni từ ngày 3/5