Vesak 2025: Lễ chiêm bái Xá lợi Đức Phật Thích Ca Mâu Ni từ ngày 3/5

Lúc 06h00, ngày 03/5/2025, khai mở chiêm bái Xá lợi Đức Phật Thích Ca Mâu Ni tại chùa Thanh Tâm, Học viện Phật giáo Việt Nam, Cơ sở Lê Minh Xuân, huyện Bình Chánh. Vào 08h 00 cùng ngày, lễ chiêm bái bảo vật Quốc gia Ấn Độ cho tăng ni, Phật tử, nhân dân Việt Nam cũng như quốc tế chính thức bắt đầu.

Xem lại:
Chương trình Chính thức Đại lễ Vesak 2025

Hòa thượng Thích Đức Thiện, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Ủy ban Tổ chức Đại lễ Vesak Liên Hợp Quốc 2025, đã hoan hỷ chia sẻ: Trước đó một ngày, vào ngày 02/5, linh cốt Đức Thế Tôn đã được cung nghinh đến sân bay Tân Sơn Nhất bằng chuyên cơ quân sự của Chính phủ Ấn Độ, có một vị bộ trưởng của Chính phủ Ấn Độ hộ tống.

Vesak 2025 - Xá lợi Phật
Đoàn đại biểu Việt Nam sang Ấn Độ rước Xá lợi Phật

Sau đó, xá lợi Phật được long trọng rước về chùa Thanh Tâm, thuộc Học viện Phật giáo Việt Nam tại Thành phố Hồ Chí Minh, Cơ sở Lê Minh Xuân, huyện Bình Chánh.

Xá lợi Đức Phật Thích Ca Mâu Ni
Chùa Thanh Tâm Từ

Xá lợi Đức Thế Tôn hiện đang tôn trí tại Bảo tàng Quốc gia New Delhi là bảo vật quốc gia của Ấn Độ. Để có thể cung nghinh xá lợi lần này, Chính phủ Việt Nam thông qua Bộ Ngoại giao đã gửi công hàm tới Ấn Độ vào 31/12/2024, đề nghị cho phép Giáo hội rước xá lợi sang tôn trí tại Đại lễ Vesak Liên Hợp Quốc 2025.

Chùa Thanh Tâm (thường được chúng sinh gọi với cái tâm thuần tịnh là chùa Phật cô đơn) là đạo tràng tôn trí xá lợi Đức Từ Phụ Thích Ca Mâu Ni trong thời gian diễn ra Đại lễ Vesak Liên Hợp Quốc 2025. Ảnh: Bảo Toàn

Theo lời dạy trong Kinh “Đại bát Niết bàn”, phẩm “Sư Tử Hống Bồ tát”, Đức Thế Tôn đã từ bi thuyết: “Đức Như Lai vì muốn cho chúng sanh tăng trưởng phước đức, nên nát rã thân thể mình thành Xá lợi để cho chúng sanh cúng dường”. Phật lại dạy: “Này A Nan! Nếu thấy Xá lợi của Như Lai thời là thấy Phật, thấy Phật là thấy Pháp, thấy Pháp là thấy Tăng, thấy Tăng là thấy Niết bàn”.

Về xá lợi Đức Phật Thích Ca, theo Tổ tư vấn của Báo Giác Ngộ, hiện có hai nhóm. Nhóm thứ nhất, hy hữu khó gặp, do các nhà khảo cổ tìm thấy tại đất Phật Ấn Độ, được đối chiếu với kinh điển, sử Phật giáo và các giám định khoa học chính xác; có thể gọi xá lợi thật của Đức Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni. Nhóm thứ hai, hầu hết các loại xá lợi Phật lưu truyền trong dân gian, chưa được khoa học nghiên cứu và giám định.

“Năm 1898, nhà khảo cổ học tên là William Claxton Peppe đã khai quật và phát hiện ra xá lợi Phật từ nền móng của một phế tích tại làng Piprahwa, thuộc huyện Siddharth Nagar, bang Uttar Pradesh (Cộng hòa Ấn Độ). Nhờ vào việc giải mã các ký tự trên nắp bình xá lợi, các nhà khảo cổ đã xác định đây chính là xá lợi thật của Đức Phật Thích Ca, phần xá lợi Phật xưa kia được chia cho bộ tộc Sakya ở Kapilavatthu xây tháp phụng thờ.

Xá lợi Đức Phật Thích Ca Mâu Ni
xá lợi của Đức Phật được khai quật tại làng Piprahwa, huyện Sidharth Nagar, tiểu bang Uttar Pradesh tại Bảo tàng Quốc gia New Delhi.

Phát hiện bình xá lợi Phật tại Piprahwa đã chứng minh Đức Phật Thích Ca là nhân vật lịch sử, phá tan những hoài nghi trước đó rằng Ngài có thể là nhân vật huyền thoại. Hiện xá lợi Phật Thích Ca được tôn vinh là quốc bảo của Ấn Độ, tôn trí trang trọng và bảo vệ cẩn mật tại Bảo tàng Quốc gia New Delhi”.

Chương trình tôn trí Xá lợi Đức Phật Thích Ca Mâu Ni – Bảo vật Quốc gia Ấn Độ:

  • Tại Chùa Thanh Tâm – Học viện Phật giáo Việt Nam, Công viên Láng Le, Lê Minh Xuân, huyện Bình Chánh từ 02 – 08/5/2025;
  • Tại Núi Bà Đen, Tây Ninh từ 09 – 13/5/2025;
  • Tại chùa Quán Sứ, Hà Nội từ 14 – 16/5/2025;
  • Tại chùa Tam Chúc, Hà Nam từ 17 – 21/5/2025. Sau đó, xá lợi sẽ hồi hướng trở về cố hương Ấn Độ.

Bài trước:
Đại lễ Vesak 2025 (Lễ Phật Đản) được tổ chức tại Việt Nam đầu tháng 5