Ý nghĩa của ngày Đại lễ Phật đản Liên Hiệp Quốc (Vesak)

Đại lễ Phật đản (Vesak) không chỉ là một ngày lễ lớn của Phật giáo, mà còn là dịp lễ văn hóa tôn giáo mang tính toàn cầu, được cộng đồng quốc tế công nhận và trân trọng. Ngày lễ này gợi nhắc về cuộc đời cao quý của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni – từ khi Ngài đản sinh, thành đạo đến nhập Niết bàn. Đây cũng là dịp để tôn vinh những giá trị nhân văn sâu sắc mà đạo Phật mang lại như hòa bình, lòng từ bi, trí tuệ và sự thấu hiểu giữa con người với nhau.

Chương trình đại lễ VESAK Liên Hợp quốc 2025 tại Việt Nam

Từ năm 1999, theo đề xuất của 34 quốc gia có truyền thống Phật giáo, Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc đã chính thức công nhận Vesak là một lễ hội văn hóa tôn giáo quốc tế. Kể từ đó, ngày lễ Phật đản được tổ chức hằng năm tại các trụ sở và trung tâm của Liên Hiệp Quốc trên khắp thế giới, vào ngày trăng tròn của tháng 5 dương lịch.

Tại nhiều quốc gia châu Á như Thái Lan, Sri Lanka, Myanmar, Malaysia, Singapore… Vesak là ngày nghỉ lễ quốc gia. Vào dịp này, người dân thực hành các hoạt động thiện lành như dâng hoa, tụng kinh, ăn chay, bố thí, và làm từ thiện. Đặc biệt ở Sri Lanka, trong hai ngày lễ chính, các lò mổ, quán rượu đều tạm ngưng hoạt động, và nhiều người thả chim phóng sinh như một biểu tượng của lòng từ và sự giải thoát.

Ở Việt Nam, Phật giáo đã hiện diện từ gần 2.000 năm trước, gắn bó bền chặt với lịch sử và văn hóa dân tộc. Trong suốt chiều dài đất nước, Phật giáo luôn giữ vai trò hộ quốc, an dân. Nhiều vị thiền sư không chỉ là bậc tu hành đắc đạo, mà còn là những nhà trí thức, nhà ngoại giao, thầy thuốc phục vụ nhân dân. Từ thời Lý, Trần đến hiện tại, tư tưởng từ bi, trí tuệ và tinh thần nhập thế của Phật giáo vẫn luôn hiện diện trong đời sống.

Sau năm 1975, với sự thống nhất đất nước, Phật giáo Việt Nam cũng tiến tới sự thống nhất. Năm 1981, Giáo hội Phật giáo Việt Nam ra đời, quy tụ các hệ phái, tổ chức Phật giáo cả nước trong tinh thần “Đạo pháp – Dân tộc – Chủ nghĩa xã hội”. Hiện nay, Giáo hội có hàng chục nghìn tăng ni, cơ sở tự viện và hàng triệu Phật tử đang sinh hoạt ổn định khắp các vùng miền.

Nhờ sự đồng lòng và tổ chức vững chắc, cùng sự hỗ trợ tích cực từ Nhà nước, Phật giáo Việt Nam đã hai lần vinh dự đăng cai tổ chức Đại lễ Vesak Liên Hiệp Quốc. Lần đầu tiên vào năm 2008 và lần thứ hai vào năm 2014 tại chùa Bái Đính, Ninh Bình. Các kỳ đại lễ đều để lại dấu ấn đậm nét trong lòng bạn bè quốc tế, thể hiện sự hiếu khách, thân thiện và tinh thần hòa hợp của người Việt Nam.

Chương trình đại lễ VESAK Liên Hợp quốc 2025 tại Việt Nam
Chương trình Thắp nến cầu nguyện hòa bình – đại lễ VESAK Liên Hợp quốc tại Việt Nam

Đại lễ Vesak không chỉ là dịp để các quốc gia cùng nhìn lại những giá trị đạo đức phổ quát, mà còn là cơ hội kết nối, giao lưu, tăng cường hợp tác quốc tế. Đối với Việt Nam, việc tổ chức thành công các kỳ Vesak cũng là minh chứng sinh động cho chính sách nhất quán về tự do tín ngưỡng, sự hòa hợp giữa đạo và đời, đồng thời góp phần củng cố khối đại đoàn kết dân tộc trong thời đại hội nhập.

Đọc thêm:
Chương trình đại lễ VESAK Liên Hợp quốc 2025 tại Việt Nam